Tôi muốn ngụp lặn trong biển xót thương

Thế giới đang chuyển mình với những cú nhảy vọt về y khoa, công nghệ trong bối cảnh ‘toàn cầu hóa’-và ‘thế giới phẳng’… Chỉ một cú ‘click’, bức tranh hiện thực về con người và thế giới hiện đại hiện ra ngay lập tức. Nhưng cũng trong bước chuyển mình ấy, con người ngang nhiên chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, và buông mình cho vật chất lên ngôi. Khi ấy, thì mọi thứ đều được đem ra trao đổi, ngay cả tình yêu và những giá trị tinh thần cao quý nhất cũng được đánh giá qua nhãn quan vật chất rẻ tiền. Ngay cả nhân phẩm, đạo đức của một con người cũng được cân đong qua giá trị của đồng tiền, để rồi ‘lương tâm bán rẻ hơn lương thực, chân lý chân giò một giá thôi’.

Quả thật, chưa bao giờ nhân loại khôn ngoan lanh lợi, biến hóa thần kỳ như hôm nay. Phải chăng khi mọi thứ đều trở nên sôi động, ồn ào, mau lẹ, rực rỡ, hào nhoáng, tiện nghi, siêu vi và siêu tốc, thì con người lại đang rơi vào một thảm họa lan tràn, phổ biến khắp địa cầu, một sự đổ vỡ sâu xa do chính hậu quả của sự “khôn ngoan”, thông thái của con người làm ra! Chưa bao giờ nhân loại đông đảo, ồn ào, vui nhộn và tự do xiết chặt tay nhau đến thế, nhưng đồng thời cũng cô đơn trống rỗng biết bao! Chưa bao giờ, nhân loại đầy đủ, tiện nghi, sung sướng đến thế, nhưng cũng hụt hẫng, bơ vơ và đau khổ biết chừng nào! Chưa bao giờ con người khôn ngoan, hiểu biết và nắm bắt mọi sự trên đời đến thế, nhưng cũng bối rối, ngơ ngác và mù mịt về chính mình như thế! Phải chăng là do con người đã lạc bước trên đường đi, lối về?

Phải chăng, ‘lòng thương xót’ chỉ còn là điều viển vông, tình thương trở nên hão huyền trước nền văn minh vật chất đổi trao thời mở cửa?[1]

Những tiếng thét gào ‘xót thương’ của nhân loại

Trong thông điệp ngàn năm thứ ba, Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II nói rằng: “Ngày nay, nhiều người đã mất cảm thức về tội lỗi, cho nên tội ác đã gây tràn lan gây đâu khổ tang tóc khắp nơi. Mỗi ngày có biết bao người rên xiết quằn quại trong đau khổ, có biết bao nhân phẩm bị chà đạp. Mỗi trang sử của nhân loại bị hoen ố bởi tội lỗi”[2].

Trước hết là tiếng rên xiết quằn quại đau thương của biết bao thai nhi bị giết hại do sự nhẫn tâm phá thai của các bà mẹ trẻ. Bao trẻ sơ sinh là nạn nhân của những lần sống thử. Bao trẻ em đang phải sống trong màn trời chiếu đất bởi thiếu tình thương mẹ cha. Đến đây, những âm hưởng của bài hát ‘Đứa bé’ (Nguyễn Khang) và ‘Giấc mơ mong tìm thấy’(Vũ Quốc Việt) vang lên trong tôi với ca từ chất chứa, nghẹn ngào:

‘Một chiều tôi đi tìm về nơi phố xưa. Lối nhỏ thân quen nay sao bộn bề. Lũ trẻ lang thang như đang nằm ngồi chờ ngóng những giấc mơ. Rồi một đêm qua, lạnh lùng giữa phố xa. Có đưa run run đôi tay nghẹn ngào. Có đứa lom khom đôi chân tật nguyền và than van. Dòng đời trôi mãi, có lúc sương khuya nghe ướt lạnh. Chú bé co ro giữa phố chợ, lạnh lùng gối chăn. Giật mình đêm mưa, mơ thấy cha đi về với mẹ. Quấn quýt bên nhau con dỗi hờn, mẹ lặng lẽ dỗ dành. ĐK/ Từ khi em sống kiếp lang thang đơn côi lạnh lùng. Đời em chưa biết phút yên vui yêu thương ngọt lành. Tuổi thơ em chưa biết tung tăng vui chơi bạn bè. Tuổi thơ em chưa biết tung tăng vui chơi bạn bè. Tuổi thơ em chưa áo chưa cơm chưa vui học hành. Ôi đau xót! Đời phiêu du ca hát ta xin dâng lên lòng thành. Lời hôm nay ta hát cho em yêu thương mộng lành. Gọi nhân gian thương xót em thơ tương lai mịt mờ. Bàn tay ơi cứu giúp em thơ tìm được những giấc mơ. Khi mùa đông sắp đến. Cũng là khi lòng nghe giá buốt. Muốn chạy ngay về nơi tổ ấm, Ước ao mẹ kể chuyện. Ước ao được đánh đòn, và được cha âu yếm…!’.

Ca từ chỉ diễn giải phần nào tư tưởng của bài hát. Thế nên, kính mời quý vị đón nghe giai điệu ca khúc này để có phút giây chạnh lòng về những ước mơ của thế giới trẻ thơ và nhân loại…

Kế đến, trong một xã hội mà nhân phẩm bị coi nhẹ thì những clip rất ‘hót’ về bạo lực học đường lại trở nên nhan nhản  nơi các trang báo chí, thời sự: học sinh hành hung, xé áo, dựt tóc nhau một cách thương tâm. Thực trạng về một nền giáo dục đáng buồn, đạo đức suy đồi ấy đã giết chết tuổi thanh xuân của các em. Một khi gia đình không còn là mái ấm nữa thì những đứa con sẽ trở nên ngỗ nghịch, ngạo mạn, lang thang phiêu bạt, không một lối đi về.

Hơn nữa, trong vòng xoáy của đồng tiền bát gạo, miếng cơm manh áo, người ta dám kiếm tiền bằng mọi cách, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, chà đạp nhân phẩm và sự sống người khác, vì: ‘thật thà thẳng thắn thường thua thiệt; luồn lách lươn lẹo mới lên lương’. Khi chối bỏ sự hiện hữu Thiên Chúa, con người có thể dùng vũ khí tối tân để giết nhau hàng loạt, mà không hề xót thương; dám hủy hoại tài nguyên môi trường, miễn là có lợi cho mình. Tất cả đã gióng lên hồi chuông báo động về sự hủy diệt toàn cầu, trái đất nóng lên, thiên tai hoành hành…

Thực vậy, toàn thể thế giới đang rên rỉ trong đau đớn của cơn lâm bồn, trong khổ đau và nước mắt. Tiếng kêu than khóc lóc đang văng vẳng đó đây nơi những con người khốn khổ, vang thấu tới trời. Thế giới đang thiếu vắng trầm trọng tình thương, lòng nhân ái, thiếu vắng sự quan tâm và sẻ chia tình người. Nhưng khốn thay, chính con người lại đang chối bỏ Đấng là suối nguồn tình thương. Chỉ có Ngài và trong Ngài, chúng ta mới thỏa nỗi ước mong, ắp đầy hy vọng về một thế giới văn minh, tình thương và sự sống.

Thiên Chúa giàu lòng xót thương!

Cách thế mà Thiên Chúa tỏ lòng xót thương ấy là một Thiên Chúa đã hạ cố, ‘cắm lều’, trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga1,14), để cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta (Dt 4,15). Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cho con người được làm Chúa (thánh I-rê-nê). Một Thiên Chúa vượt không gian thời gian đã trở nên hữu hạn và đi vào lịch sử. Một Thiên Chúa mà cả thế giới không thể chứa nổi lại đang hiện hữu sống động nơi chúng ta, nơi Đức Giê-su. Ngài chính là lời Mạc Khải trọn vẹn về lòng thương xót và nhân hậu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống, không cứu chuộc con người bằng cách từ trên cao vớt con người lên, thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người…Ngài trở thành kẻ mất mát với kẻ mất mát, đói với người đói, bệnh với kẻ bệnh. Nơi Ngài luôn có sự nhạy bén đặc biệt với những người khổ đau.[3] Ngài muốn liên lụy đến tận cùng nỗi cùng cực của con người. Một Thiên Chúa đã cúi mình xuống mà rửa chân cho ta, băng bó những tấm lòng tan nát (Is 1,1), và mang lấy những vết thương để chúng ta được chữa lành (1Pr, 2,24). Cả cuộc đời Ngài chỉ biết cho đi, cả đời ta tha hồ lãnh nhận. Ngài cho đi cả mạng sống của mình và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho chúng ta (Dt 5, 8-9). Đó là điều vĩ đại mà con người chỉ biết đón nhận trong ân sủng và niềm tin. Tất cả vì tình yêu và cho tình yêu!

Tình yêu của Thiên Chúa còn được thể hiện trong những trang đẹp nhất trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca (Lc15). Tình yêu ấy được diễn tả rõ nết qua sự quan tâm, tha thứ và đi tìm của Ngài. Vì yêu thương, ngài sẵn sàng bỏ 99 con để đi tìm cho kỳ được một con chiên bị lạc. Ngài muốn mời gọi ta đến chung chia niềm vui khi Ngài đã tìm được đồng bạc bị mất, dù có phải tốn kém thiệt thòi gấp nhiều lần đồng tiền ấy. Vì yêu thương, Ngài không chấp nhất tội ta đã phạm, nhưng luôn theo dõi bước chân ta và ngóng đợi ta trở về. Ngài vui mừng Chạy lại – Hôn lấy hôn để, và ra lệnh cho các đày tớ: Xỏ nhẫn, xỏ dép, bắt con bê đã vỗ béo để làm thịt. Đúng là chỉ có tình thương mới giúp ta hiểu được điều này.[4]

Từ nguồn sung ấy, chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác, chúng ta sẽ đón nhận và thể hiện lòng xót thương ấy như thế nào cho con người và thế giới.

Đón nhận và thể hiện lòng thương xót trong xã hội hôm nay

Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là cái gì đó trừu tượng hoặc không rõ ràng, nhưng là một thái độ cụ thể, đặc biệt trong đó, Thiên Chúa ra khỏi mình để đến với ta. Trong Chúa Giê-su ta thấy được sự viên mãn lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài ở gần để nghe ta thét gào, dang bàn tay đỡ lấy ta, đụng chạm đến ta, xin một cánh tay ôm lấy ta, một đôi môi hôn lên ta…và người đã đến ấy, cũng là người có thể thực sự nói rằng: “Tôi đang ở với bạn”.[5]

Cách duy nhất để đón nhận“Lòng Thương Xót”, đó là trở về cùng Chúa với một tấm lòng tin cậy tín thác và một con tim biết ơn, không ngừng cảm tạ và tri ân.[6] Chỉ khi nào ta biết ngụp lặn trong ‘biển lòng thương xót của Chúa’ thì ta mới có thể cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương tha thứ như thế nào. Có như thế ta mới biết yêu thương, quan tâm, đi tìm và tha thứ đến cùng như chính Ngài đã nêu gương cho chúng ta.

Tóm lại, ‘Lòng thương xót’ của Thiên Chúa luôn lớn hơn ta tưởng. Sự tha thứ của Ngài lớn hơn trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta để được chữa lành. Hỡi những ai đang vất vả mang gánh năng nề, hãy đến và ngụp lặn trong biển thương xót, biển của lòng Chúa xót thương.

JQBC

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*