Thánh giá, đỉnh cao của Lòng Thương Xót

Diễn tả Lòng thương xót là một thực tại không chỉ đơn thuần lý thuyết và hình thức, nhưng hoàn toàn thực tế và đương thời. Thánh giá, khí cụ cứu độ của Lòng thương xót là như thế. Thánh giá là phương thế cứu chuộc của Đức Kitô. « Thiên Chúa đã ban Đức Kitô như hy tế xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin, để bày tỏ sự công chính của Ngài » (Rm 3,24-25). Để có được ơn ban này, cần phải có Lòng thương xót để đạt tới sự công chính. Lời của thánh Phaolô chứng thực rằng Thánh giá là nơi mặc khải sự công chính và lòng thương xót Chúa.
 
Sau khi đã mạc khải nhiều lần nhiều cách Lòng thương xót trong Cựu ước, Chúa Cha đã sai Người Con Duy nhất vào thời viên mãn (x. Gl 4,4). Tông đồ Phaolô mô tả thân phận thiên tính của Chúa Giêsu trong thư gửi tín hữu Philípphê : « Người đã hạ mình, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá ! » (2,8).
 
Đời sống tại thế của Chúa Giêsu trong tư cách là con người kết thúc bằng cái chết trên Thánh giá, lời sau cùng của sứ điệp và sứ mạng thiên sai của Người. Thánh giá trở thành nơi hoàn tất Lòng thương xót Chúa[1]. Thánh giá đã chỉ ra chiến thắng vinh quang của Người Con : như thế, nó luôn là đỉnh cao của công chuộc cứu độ (x. DM 8§1), nói cách khác, của Lòng thương xót của Chúa Cha. Nó trở thành dấu hiệu tình yêu không thể tưởng tượng nổi, tình yêu trung thành của Chúa Cha đối với nhân loại, mà Tin mừng theo thánh Gioan làm chứng : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một » (Ga 3,16). Thánh giá được dựng lên vì tội lỗi loài người, trở thành dấu hiệu chiến thắng sự dữ dưới mọi hình thức. Nhờ Thánh giá trên đồi Canvê, sự công chính và lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ bày và tội lỗi con người được thứ tha (x. DM 7§3). Thánh giá trở thành lời đối thoại giữa Cha và Con về tình yêu đối với loài người. Chính tình yêu này cho phép con người tham dự vào sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa (x. DM 7§4).
 
Thánh giá còn được gọi là con đường trao đổi đáng khâm phục giữa Thiên Chúa và con người, « bằng chứng sau cùng của giao ước cao quí của Thiên Chúa với nhân loại – với mỗi người. Xưa như con người, vì giao ước đã lên tới mầu nhiệm sáng tạo, rồi tái lập nhiều lần với dân tuyển chọn, Giao ước này cũng là giao ước mới và dứt khoát ; được thiết lập trên đồi Canvê, nó không bị giới hạn ở một dân duy nhất, dân Ítraen, nhưng mở ra với tất cả và với mỗi người. » (DM 7§5).
 
Cho dù Thánh giá chưa phải là tiếng nói cuối cùng của sứ điệp và sứ mạng thiên sai của Con Thiên Chúa, mà Phục sinh là tiếng nói chiến thắng vinh quang sau cùng. Thánh giá nói và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha luôn trung thành với tình yêu vĩnh hằng đối với con người (x. DM 7§6).
 
Quả thực, Thánh giá là sứ điệp của Lòng thương xót Chúa (x. DM 6§5). Nó là niềm hy vọng của những ai tin vào Lòng thương xót, vì qua đó, cái chết cứu độ của Đức Kitô được gọi là « công chính tuyệt đối, trọn vẹn, phong nhiêu xứng tầm Thiên Chúa » (DM 7§3). Thánh giá đúng là mạc khải Lòng thương xót cách viên mãn. « Thánh giá Chúa Kitô, trên đó Người Con vô tội, đồng bản thể với Cha, trả lại sự công bình cho Thiên Chúa, cũng là mạc khải tận căn của Lòng thương xót, có nghĩa là của tình yêu, đối nghịch với cái tạo nên chính căn nguyên của sự dữ trong lịch sử, của sự tội và sự chết. » (DM 8§1). Như thế, Thiên Chúa luôn trung thành với chính Ngài và với lời hứa cứu độ từ đời đời do bởi Lòng thương xót.
 
« Thánh giá là phương thế sâu xa nhất mà thần tính hướng về con người và về điều gọi là số phận bất hạnh. Thánh giá như tình yêu vĩnh hằng chạm vào những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trên dương thế, và là sự hoàn tất đến cùng của chương trình thiên sai mà Đức Kitô đã đặt ra ở hội đường Nadarét (x. Lc 4,18-21), rồi được lặp lại trước các đặc sứ của Gioan Tẩy giả (x. Lc 7,20-23) […]. Vì vậy, trong buổi yết kiến chung ngày 16 tháng 4 năm 2014, Đức Phanxicô gọi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, là gương phản chiếu những đau khổ của nhân loại. « Thật thế, Thánh giá Chúa Kitô giúp chúng ta hiểu rằng những cội rễ sâu xa của sự dữ nằm trong tội và sự chết ; lại trở thành dấu hiệu cánh chung. » (DM 8§2). Đúng vậy, Thánh giá là nền tảng hoàn tất cánh chung vì những ai được Thánh giá cứu chuộc, sẽ trở thành những người được chọn trong Nước Thiên Chúa (x. DM 8§2). Chúng ta đừng lo lắng về phán xét sau cùng vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta qua cái chết của Con Ngài trên thánh giá.
 
Trong chương trình của Lòng thương xót, Giáo Hội luôn tôn thờ Thánh giá vì nơi đó mạc khải tình yêu thương xót đạt tới đỉnh cao […], Thánh giá vẫn còn là “nơi” mà người ta cũng có thể áp dụng những lời trong sách Khải Huyền của thánh Gioan : « Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta » (x. Kh 3,20). Thiên Chúa cũng mạc khải cách đặc biệt Lòng thương xót của Ngài khi Ngài kêu gọi con người thực thi ‘lòng thương xót’ với Con duy nhất, với Đấng chịu đóng đinh (x DM 8§3). Thánh giá trở nên lòng thương xót hữu hình đến từ Chúa Cha vô hình.
 
Cũng vậy trong chương trình tìm kiếm những con chiên lạc và trong mạc khải Lòng thương xót qua Thánh giá, phẩm giá con người được tôn trọng hơn và lớn lao hơn, đến phiên, con người cũng là đối tượng thực thi Lòng thương xót (x. DM 8§4). Thập giá mà chúng ta vác mỗi ngày chính là việc thực thi Lòng thương xót trong đời sống bản thân.
 
Hiển nhiên, Thánh giá gắn liền với phục sinh, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : « Trong khổ nạn và sỉ nhục của Thánh giá, Đức Kitô không phải là đối tượng của Lòng thương xót nhân loại, đã mạc khải đầy đủ tình yêu mà Chúa Cha vun đắp đối với Con và, qua Con, đối với mọi người […] Trong phục sinh, Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa tình yêu thương xót vì Người đã chấp nhận Thánh giá như đường đến phục sinh. Cho nên, khi nhớ đến Thánh giá Chúa Kitô đức tin và hy vọng của chúng ta hướng về Đấng Phục sinh. » (DM 8§7). Đấng Phục sinh mà trước tiên các phụ nữ, rồi các Tông đồ, đến mộ, đã nhìn thấy dưới ánh bình minh (x. DM 7§6).
 
Như vậy, Thánh giá được định nghĩa như là mạc khải tận căn hay đỉnh cao của Lòng thương xót đối với con người vì nó không chỉ ban ơn cứu độ, mà còn diễn tả đầy đủ ý nghĩa Lòng thương xót của Chúa trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người tội lỗi. Mầu nhiệm thánh giá ban ơn cứu độ không chỉ cho những người tin, nhưng còn chứng tỏ tình liên đới với những người không tin vì Chúa Giêsu bị đóng đinh đã tha thứ cho tất cả và ban sự sống cho mỗi người : « Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23,34 ; DM 15§4). Tất cả mọi người được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm Thánh giá của Thiên Chúa, nhất là trong tuần thánh này. Thiên Chúa ban cho họ sự sống thần linh và vĩnh cửu nhờ Lòng thương xót. Lòng thương xót của Chúa Cha được mạc khải và thực thi trong mầu nhiệm Thánh giá nơi đó Lòng thương xót tỏ bày một cách hữu hình (x. DM 2§2).
 
Minh Sáng
[1] Tông huấn Dives in misericordia (DM 7§1 et §3) của thánh giáo hoàn Gioan-Phaolô II – See more at: http://gpbuichu.org/news/Suy-niem-mua-chay/Thanh-gia-dinh-cao-cua-Long-Thuong-Xot-2815.html#sthash.d71DUbWT.dpuf

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*