Thánh Giuse Fernandez Hiền, Linh Mục dòng Đaminh (1775-1838) – Ngày 24 Tháng 07

Cuộc hội ngộ trong tù.

Khi bị thẩm vấn về các thừa sai, linh mục Fernandez Hiền liền nhận là có quen thân với hai Giám mục Delgado Y và Henares Minh. Cha xin quan cho gặp mặt vì biết hai vị đang bị giam cầm ở đây. Cuộc gặp kéo dài gần tiếng đồng hồ, mỗi vị một cũi. Nhưng cũng đủ để ba vị thủ lãnh giáo phận Đông trao đổi, an ủi và khích lệ nhau. Đức cha Delgado Y vì bệnh nặng nên ít nói hơn. Nhưng bỗng nhiên ngài hỏi cao giọng bằng tiếng Việt, chắc có ý cho quan quân nghe được: “Này cha bề trên phụ tỉnh, cha đã sẵn lòng tự nguyện để người ta chém đầu chưa ?” Không chút ngần ngừ, cha chính Hiền trả lời: “Dĩ nhiên đã sẵn sàng”. Các quan và lính tráng có mặt hôm đó đều ngạc nhiên hết sức khi thấy những tù nhân của họ nói đến cái chết cận kề, mà vẫn bình tĩnh, nếu không nói là vui vẻ nữa.

Hai ngày sau, tân tư của cha Hiền được khẳng định rõ hơn cho các quan: “Xin các ngài biết cho, không bao giờ tôi chà đạp Thánh Giá. Còn việc về nước (Tây Ban Nha) thì tôi không muốn, vì tôi đến đây với ước nguyện là giảng đạo Chúa Kitô, đạo chân chính duy nhất giúp con người sống tốt đẹp ở đời này và đạt hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Tôi sẵn sàng lấy máu mình để làm chứng cho người dân Việt biết đạo Thiên Chúa là đạo thật. Đó là mục đích và niềm vui của tôi”.

Hành trình rao giảng

Giuse Fernandez sinh ngày 03.12.1775 trong một gia đình đạo đức ở Ventosa de la Cuesta, tỉnh Valladolid, giáo phận Avila, Tây Ban Nha. Cha mẹ cậu rất hân hoan khi cậu xin vào dòng Đaminh, và coi đó là một vinh dự cũng như đặc ân Chúa ban cho gia đình. Tại tu viện thánh Phaolô (ở Valladolid) cậu tuyên khấn ngày 02.08.1796, khi mới 17 tuổi. sau đó thày Fernandez học triết lý và thần học, rồi được thụ phong linh mục.

Để thực hiện hoài bão truyền bá Tin Mừng cho niền Viễn Đông, cha Fernandez xin chuyển qua Tỉnh Hạt Rất Thánh Mân Côi và tới Manila (Phi Luật Tân) ngày 16.04.1805. Từ đây ngài đến Macao cùng với ba cha dòng Đaminh khác: Luis Villanova, Giacôbê Mateo và Manuel Gonzalez. Ngày 18.02.1806, bốn tu sĩ thuyết giáo theo một tàu của Anh vào bến Cửu Hàn (Đà Nẵng). Từ đây, bốn vị riệng rẽ đi bộ lên giáo phận Đông Đàng Ngoài, trời có bão, các thuyền bè không ai giám chở. Tháng 6 năm đó, cha Fernandez đến được trụ sở Bề trên phụ tỉnh.

Việt Nam thời này đang dưới quyền Gia Long, các thừa sai tương đối tự do giảng đạo. Sau một vài tháng học tiếng, vị tông đồ trẻ tuổi đã bắt tay vào công việc truyền giáo hăng say. Vốn bản tính hiền lành, khiêm tốn và nhã nhặn, cha Hiền được mọi người cả giáo lẫn lương đều quí mến. Nhờ đó cha đã giúp nhiều lương dân đón nhận đức tin, nhất là tại làng Xuân Dục.

Giáo xứ cha Hiền phụ trách lâu nhất là Kiên Lao, nơi cha đã nâng số tín hữu lên đến 5.000 khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Từ đây cha phụ trách chủng viện của giáo phận. Năm 1837, sau một cơn bệnh kiết lỵ suýt chết, tỉnh dòng trao cho cha chức vụ Bề Trên Phụ Tỉnh. Cha vâng lời nhận trách nhiệm với sự trợ giúp của linh mục phụ tá Hermosilla Vọng. Tuy làm cha chính có vài tháng, cha đã phải lãnh trách nhiệm trong giai đọan bão tố của giáo phận Đông. Những lá thư của cha Viên bị tịch thu đã tố cáo sự hiện diện của các linh mục ngoại quốc tại Nam Định.

 

Cô đơn và niềm an ủi.

Trong cơn truy lùng gắt gao của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh năm 1838, cha Hiền đang ở chủng viện Ninh Cường, được giáo dân yêu cầu dọn đi nơi khác: “xin cha thương chúng con mà lánh đi nơi khác, kẻo nếu họ bắt được cha ở đây, chúng con sẽ mất hết tài sản và có lẽ mất cả đầu nữa”. Thế là vị linh mục 63 tuổi đang mang trọng bịnh, đành phải ra về Quần Liêu, có hai thày giảng theo giúp đỡ ngài.

Khi đến Quần Liêu, giáo hữu ở đây cũng lo sợ không kém bên Ninh Cường. Vì sợ liên lụy, họ đã xin ngài đừng ở lại. Một lần nữa cha Hiền và hai thày giảng lại ra đi mà không biết đến đâu, vừa đi vừa nghĩ đến gương của Thày Chí Thánh: “Cáo có hang chim trời có tổ, còn Con Người không chỗ gối đầu”. Nhưng may mắn thay, đang tình trạng bế tắc đó thì một linh mục Việt Nam xuất hiện.

Cha Phêrô Tuần đang coi xứ Lác Môn khi biết tin, liền đến Quần Liêu can thiệp. Cha trách các tín hữu ở đây bội bạc, và yêu cầu họ cho cha Hiền lưu lại vài ngày. Cha Tuần cũng quyết định ở lại để tìm chỗ ẩn mới cho vị thừa sai. Hai ngày sau, hai cha vượt sông qua giáo phận Tây đàng Ngoài, ghé vào xứ Kim Sơn. Nhưng vừa đến nơi thì hay tin quan tỉnh Nam Định đã ra lệnh cho quan địa phương lùng bắt hai vị rồi. Dân xứ Kim Sơn vì thế không giám lưu giữ, họ mời hai vị linh mục lên một chiếc thuyền nhỏ rồi đưa các vị vào vùng xình lầy gần đó. Địa điểm này tuy an toàn không bị truy lùng, nhưng quả là gian khổ vì bùn lầy tanh hôi, ban ngày thì nắng cháy da, đêm về thì làm mồi cho muỗi đốt.

Con đường thập giá.

Cũng may có cha xứ Kim Sơn khi biết tình trạng bi đát của hai chứng nhân đức tin liền tìm cách thu xếp. Hai ngày sau, ngài cho người rước hai cha về trú ở nhà ông Bát Biên (hàm Bát Phẩm), là người thọ ơn cha xứ nhiều lần. Hơn nữa ông này ngoại giáo nên ở đây an toàn hơn. Thực tế Bát Biên xử với hai vị rất tốt suốt tám ngày liền, trước khi lập mưu giao nộp để lãnh thưởng.

Đêm 18.06, ông ta nói dối rằng: “Con nghe tin quan biết hai cha ở đây, và quan quân sắp đến vây làng, con phải đem hai cha đi nơi khác, an toàn hơn”. Rồi ông ta mời cha chính Hiền xuống thuyền đem nộp ngài cho quan quân trên bờ sông Qui hậu. Sau đó, về nói dối để chở cha Tuần đi nộp tiếp. Nhờ việc tố giác này, Bát Biên được vua Minh Mạng tăng thêm một cấp quan và thưởng cho 100 nén bạc.

Đêm hôm đó, hai môn đệ Chúa Kitô bị giam tại huyện, các ngài giải tội cho nhau và khích lệ nhau chịu đựng gian khổ dù phải chết. Sáng hôm sau, quân lính điệu hai cha lên Ninh Bình, cha Hiền bị nhốt trong cũi bằng tre, cha Tuần phải mang gông nặng. Ngày 22.06, hai cha được giải về Nam Định, các quan và lính võ trang ra đón hai cha giữa tiếng hò reo chiến thắng. Sau đó họ giam mỗi vị một nơi.

Ngồi bó gối trong cũi tại ngục Nam Định, cha Hiền phải chịu đói khát, và nhất là cơn nóng nực. có lẽ ngài đã chết tại đó nếu không được anh Đường, một tín hữu tốt bụng đến tiếp cứu. Anh đã bỏ tiền ra mua chuộc lính gác để được vào tiếp tế mỗi ngày một ít lương thực. Mấy ngày đầu, anh còn phải giúp ngài đưa từng miếng cơm, ngụm nước vào miệng vị linh mục quá kiệt sức đến độ tự mình không thể ăn uống được nữa.

Một tháng trong tù, nhiều lần cha bị đưa ra tòa để đối chất. Quan Tổng đốc mới Lê Văn Đức điều tra ngài về lý lịch, đến đây làm gì, bao lâu ? Cha cố trả lời vắn tắt để không liên lụy đến ai. Cha nói: “Từ ngày vua cấm đạo, chúng tôi mạnh ai nấy chốn, chẳng biết ai ở đâu cả”. Quan hứa sẽ đặt cha làm thông dịch viên nếu chịu bỏ đạo, cha đáp: “Tôi đến đây không để phục vụ vua chúa trần gian này mà chỉ để rao giảng đạo Đức Chúa Trời thôi”. Thế rồi, cha xin được gặp hai Đức cha đã bị giam trước, và bình tĩnh tỏ lòng sẵn sàng chết vì đức tin theo vị chủ chăn của mình. Thấy không thể làm cha bỏ đạo, đạp lên Thánh Giá, các quan họp nhau và nên án trảm quyết ngài. Bản án của cha và cha Tuần được vua Minh Mạng châu phê tới Nam Định ngày 18.07. Cha Phêrô Tuần vì tuổi già sức yếu, đã về với Chúa trước đó ba ngày.

Giây phút vinh quang.

Sáng ngày 24.07, trước khi đem đi xử, các quan còn khuyên dụ cha Hiền lần cuối: “Lát nữa ông sẽ bị chém đầu nếu không đạp lên Thập Giá. Hãy quyết định lại đi, ông sẽ được tha về Âu châu”. Vị chứng nhân trả lời: “Tôi không chịu đạp lên Thánh Giá, các ông muốn chém thì cứ chém”. Sau đó nhốt cha trong cũi, các quan để mặc dân chúng đến xem chế nhạo. Họ kéo đến chửi mắng, bứt tóc giật râu hoặc thò tay đấm vào người cha.

Khoảng 2 giờ chiều, quan quân mới đưa vị linh mục đến pháp trường Bẩy Mẫu. Khi quân lính kéo ngài ra khỏi cũi và ném lên chiếu, ngài hầu như không gượng dậy nổi, phần vì đau mệt, phần thì đói lả, ngài nằm sõng soài ra đó. Tuy thế, cặp mắt của vị anh hùng vẫn hướng về trời cao, dâng lên Thiên Chúa hy tế đời mình và dâng lời cảm tạ sốt sắng qua 32 năm đã được phúc làm chứng cho Thiên Chúa ở Việt Nam. Lý hình vung gươm xử chém đang lúc chứng nhân còn chìm sâu trong ý nguyện.

Đầu vị tử đạo phải bêu ba ngày trước khi bị ném xuống sông. Các giáo hữu đem áo quan theo sẵn, đút tiền để đưa thi hài ngài về án táng tại chủng viện Lục Thủy. Hiện hài cốt ngài còn để tại nhà thờ Phú Nhai.

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Giuse Fernandez Hiền, dòng Đaminh, lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*