Hồng y tương lai William Goh, nghệ nhân hòa hợp ở Singapore

Tên của tổng giám mục William Goh Seng Chye không được mong chờ nhiều trong danh sách các tân hồng y được giáo hoàng bổ nhiệm vào ngày 29 tháng 5.

Ở Singapore, hòn đảo nhỏ bé nằm cuối bán đảo Mã Lai, ở cửa eo biển Malacca, vào thế kỷ 16, đạo công giáo đã đến đây cùng với các thương gia Bồ Đào Nha. Linh mục đầu tiên đến Singapore là vào năm 1821, sau đó linh mục Jean-Marie Beurel đến năm 1839, cha là nhà truyền giáo người Breton, bây giờ Giáo hội Singapore xem ngài là người sáng lập Giáo hội công giáo địa phương. Hai trăm năm sau, nước Cộng hòa nhỏ bé của Đông Nam Á sắp có tân hồng y là tổng giám mục William Goh Seng Chye đương nhiệm.

William Goh sinh năm 1957 tại Singapore trong gia đình công giáo giữ đạo. Ngài cho biết ơn gọi của ngài là do lòng đạo sốt sắng mẹ ngài, ngài còn nhớ cách bà sốt sắng lần chuỗi như thế nào khi ngài chỉ mới lên bốn. Năm mười hai tuổi, ngài bắt đầu lần hạt mân côi mỗi ngày, giữ lòng kính mến Đức Mẹ và suy gẫm Sách Thánh.

Một nhân viên ngân hàng thành linh mục

Cha mẹ ghi tên cho William vào học trường công giáo trên đảo, thanh niên William gia nhập Thanh sinh công, giúp lễ và đam mê với phụng vụ. Năm 1976, William học xong trung học, anh có ý định làm linh mục nhưng vẫn còn do dự. Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự, anh chọn làm việc cho ngân hàng Barclays của Anh. Anh làm việc ở đó hai năm và rất vui vẻ trong thời gian này, cùng lúc đời sống thiêng liêng và đức tin của anh tiếp tục phát triển. Nhưng lời kêu gọi làm linh mục quá mạnh và dù người cha phản đối, anh quyết định vào chủng viện địa phương ở Penang.

Năm 1985, ngài qua Rôma một năm để lấy bằng thần học tại Giáo hoàng Học viện Urbania, sau đó ngài về lại Singapore và thụ phong linh mục ngày 1 tháng 5. Sau đó, ngài trở lại Rôma để tiếp tục nghiên cứu thần học tín lý cũng tại Giáo hoàng Học viện Gregorian. Trở lại Singapore, ngài được giao trách nhiệm giảng dạy và huấn luyện tại đại chủng viện, ngài là trưởng khoa, kiểm sát viên và cuối cùng là giám đốc, chức vụ ngài giữ cho đến năm 2013. Năm 1995, ngài vào ủy ban thần học của ủy ban các hội đồng giám mục Châu Á.

Trong những năm này, ngài là linh hướng của trung tâm linh đạo giáo phận và của một số phong trào thanh niên và đặc sủng, một trong những niềm đam mê của ngài trong cương vị mục tử. Ngài cho biết giới trẻ công giáo Singapore “sinh động, sáng tạo và tràn đầy năng lực” và để phát triển, Giáo hội phải tìm cách hiểu nguyện vọng của họ.

Một giám mục cam kết đối thoại giữa các tôn giáo

Năm 2012, Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm giám mục Goh làm giám mục phụ tá Singapore cho tổng giám mục Nicholas Chia Yeck Joo, người sẽ nghỉ hưu vào năm sau khi đến 75 tuổi. Giám mục William Goh sau đó là tổng giám mục thay thế tổng giám mục Joo và là giám mục thứ hai người Singapore đứng đầu giáo phận.

Tổng giám mục Goh quan tâm đến việc đầu tư vào văn hóa đối thoại giữa các tôn giáo, một nét đặc trưng của thành phố-Quốc gia nhằm thúc đẩy sự hòa hợp giữa các cộng đồng phật giáo, hồi giáo, lão giáo, ấn độ giáo, tin lành và công giáo địa phương. Kể từ năm 2014, ngài là một trong những đại diện chính thức của thành phố đối thoại với các cộng đồng này. Một ngày sau khi được phong giám mục năm 2013, trong cuộc họp có sự tham dự của các đại diện tôn giáo chính của Singapore, ngài than phiền cho sự thế tục hóa thế giới và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục, trách nhiệm cho sự phát triển của chủ nghĩa tương đối và vì thế tạo phân tán trong xã hội.

Vận động chống các vụ lạm dụng

Tại châu Á, giám mục Goh là một trong số ít giám mục lên tiếng công khai về vấn đề lạm dụng. Tháng 5 vừa qua, ngài  đã xin lỗi cộng đồng công giáo sau vụ một linh mục trong giáo phận của ngài bị kết án lạm dụng hai trẻ vị thành niên, ngài kêu gọi “ý thức đến các thực tế”. Dưới sự điều hành của ngài, văn phòng độc lập phụ trách các vụ lạm dụng của giáo phận, đã có từ năm 2011, đã chuyển qua cho một giáo dân lãnh đạo năm 2018.

Cuối cùng, trong đời sống xã hội của đất nước, được Giáo hội công giáo hỗ trợ, giám mục Goh là một trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho việc bãi bỏ án tử hình ở Singapore, nơi án tử hình vẫn thường xuyên được tuyên bố, đặc biệt là trong các vụ buôn bán ma túy

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 14.08.2022/ cath.ch, I.Media, 2022-06-23)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*