Từ ngày 14.11 đến ngày 19.11.2022 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

14.11.2022

THỨ HAI TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 18,35-43

Lời Chúa:

“Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” (Lc 18,38)

Câu chuyện minh họa:

André Frossard, một ký giả người Pháp đã cho xuất bản cuộc phỏng vấn Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cách đây vài năm, là con của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông cũng đã từng là một người cộng sản đầy xác tín…

Ngày nọ, ông phải đưa một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang chờ ông. Trong một phút, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức tốc đến người bạn và la lớn: “Thiên Chúa hiện hữu. Ðó là một chân lý”.

Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: “Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Người”. Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách của những tác phẩm bán chạy nhất…

Suy niệm:

Hiện nay trên thế giới có nhiều người mù. Người mù là không thấy sự vật và đường đi; anh mù trong Tin mừng hôm nay có một thính giác rất đặc biệt, đã nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Ý thức được thân phận của mình, anh mù chỉ biết tha thiết nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa, vì anh đang sống trong bóng tối. Nơi anh mù này có một niềm tin sắt đá; anh ta đã kêu xin Người với một niềm tin mạnh mẽ, đến độ quyền năng của Đức Giêsu đã chữa lành cho anh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra sự mù lòa trong tâm hồn, để chúng con biết chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

 

 

 

 

 

15.11.2022

THỨ BA TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 19,1-10

Lời Chúa:

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 17,4)

Câu chuyện minh hoạ:

Nhiều đệ tử đang theo học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:

– Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy?

Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

Suy niệm:

Sau khi chữa người mù tại Giê-ri-khô, Đức Giê-su tiếp tục lên Giê-ru-sa-lem. Dọc đường, Người gặp Da-kêu. Người đã vào nhà ông và ông đã được biến đổi hoàn toàn.

Sự biến đổi của Dakêu, hay Ơn cứu độ mà ông Dakêu có được là kết quả sự hợp tác từ hai phía. Đó là Dakêu biết khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, bất toàn trước Chúa Giêsu, nên ông đã tìm mọi cách gặp cho bằng được Chúa, mời Chúa đến nhà mình. Và điều quan trọng thứ hai là chính Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, ơn cứu độ đích thực là có Chúa Giêsu, vì có Chúa Giêsu là có bình an, hoan lạc. Nhờ đó, ta có thể sống quảng đại và vị tha với tha nhân, như lời Dakêu đã thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Chính Chúa đã mở đôi mắt tâm hồn ông Dakêu khiến ông không còn thấy tiền bạc là tất cả nữa, nhưng Chúa mới là tất cả đời ông. Ông đã quảng đại cho đi tài sản và nhận được điều lớn lao là ơn cứu độ.

Lạy Chúa, giúp chúng con được gặp Chúa, gặp trong lời cầu nguyện, trong các giờ kinh, và gặp Chúa trong anh em… để chúng con cũng có thể sống cách quảng đại và vị tha với tha nhân như ông Dakêu. Amen.

 

 

 

 

 

16.11.2022

THỨ TƯ TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 19,11-28

 

Lời Chúa:

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến”. (Lc 19,13)

Câu chuyện minh họa:

Booker Washington là một người Mỹ da đen vĩ đại nhất. Ông là một nhà giáo dục, một nhân vật cải cách và một văn sĩ nổi tiếng. Năm 16 tuổi, ông đã phải đi bộ gần 800 cây số để xin học. Thế nhưng, vì các lớp đã đông đủ nên ông bị từ chối. Ông nhận chân quét phòng tại trường. Ông đã làm những việc hèn hạ này một cách hết sức chu đáo, thành thử ông dành được cảm tình của ban giám đốc nhà trường. Người ta dành cho ông một căn phòng nhỏ của sinh viên. Chính tại căn phòng nhỏ này, ông đã chăm chỉ làm việc cho đến khi trở thành một giáo sư nổi tiếng, và sau này trở thành người sáng lập học viện Tuskegee. Từ một kẻ nô lệ, ông đã trở nên người lãnh đạo chủng tộc da đen. Ông qua đời vào năm 1915.

Suy niệm:

Chúa ban cho mỗi người một khả năng khác nhau để phục vụ bản thân và người khác. Điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi người là làm cho những nén bạc ấy sinh lời. Nếu Booker Washington ngày ấy không tận dụng khả năng và những cơ hội mong manh ấy, thì làm sao có được người sáng lập học viện Tuskegee. Nếu chúng ta biết trung tín trong việc sử dụng của cải Chúa ban, thì chắc chắn Chúa sẽ ân thưởng cho chúng ta những điều lớn lao hơn thế nữa. Vì “phàm ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”.

Lạy Chúa, xin cho con biết sử dụng những nén bạc Chúa trao một cách tốt nhất, để những gì Chúa mong mỏi nơi con không phải thất vọng bao giờ.

 

 

 

 

 

17.11.2022

THỨ NĂM TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Thánh Êlisabeth Hungari

Lc 19,41-44

 

Lời Chúa:

“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42)

Câu chuyện minh họa:

Trong dòng của thánh Benedictô có một tập sinh thuộc gia đình quí phái, trước kia là một chiến binh dũng mãnh, nay chỉ là một thầy trợ sĩ trong một tu viện. Ngày kia, thầy được phân công phục vụ trong nhà cơm. Tính kiêu ngạo xưa kia lại nổi dậy trong thầy: “Các kẻ này là gì mà mình phải hạ mình phục vụ họ như một người nô lệ thế này?”, thầy tự nghĩ trong lòng. Lúc đó, thánh Benedictô, người đang coi sóc thầy và là người được Chúa ban cho ơn đọc thấy các tư tưởng thầm kín của kẻ khác, quay mặt về phía thầy và nói:

– Người anh em của tôi ơi, hãy làm dấu thập giá trên quả tim của thầy đi! Những lời càm ràm trong bụng thầy đó có ý nghĩa gì! Hãy đặt một ấn.

Suy niệm:

Chúa Giêsu buồn vì cảnh tượng Giêrusalem sụp đổ, ngày nay trước những tội lỗi của con người Chúa Giêsu càng tan nát cõi lòng hơn nữa, vì thân xác con người là đền thờ của Chúa đã bị hoen ố khi con người rơi vào chán chường, tội lỗi, thất vọng… Chúa mời gọi chúng ta nhận biết triều đại Thiên Chúa đã đến gần, khi nhận ra những gì đem lại bình an trong cuộc sống, bằng việc loại bỏ những ý hướng tội lỗi, những tư tưởng xấu, đang làm mờ mắt đức tin của chúng ta. Có như thế, đời sống của chúng ta biến đổi nên tốt hơn và chúng ta dễ dàng nhận biết thời giờ Thiên Chúa viếng thăm.

Lạy Chúa, thời gian và kỳ hạn Chúa đến với con người không ai được biết trước, nhưng Chúa luôn mời gọi con phải tỉnh thức luôn để khi Chúa đến con được hân hoan vào dự tiệc với Người trên thiên quốc.

 

 

 

 

 

18.11.2022

THỨ SÁU TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 19,45-48

Lời Chúa:

“Nhà Cha Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19,46).

Câu chuyện minh hoạ:

Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng. Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của cha chính xứ: kẻ góp công, người góp của. Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất ngôi nhà thờ mới. Người ở làng bên này thì muốn ngôi nhà thờ toạ lạc trong làng của mình. Người ở làng bên kia thì lại muốn nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền của đã có sẵn, vật liệu cũng không thiếu, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên ở đâu.

Giữa lúc vấn đề địa điểm xây cất chưa ngã ngũ, một nạn hạn hán trầm trọng đang đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Năm ấy toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát. Trong cảnh túng quẫn, lá lành đùm lá rách, dân làng hai bên mới nghĩ đến nhau. Một đêm kia, dân làng bên này lặng lẽ phân chia lúa thóc rồi mang qua cứu trợ dân làng bên kia. Trong khi đó, dân làng biên kia cũng có một ý nghĩ tương tự, họ cũng mang lúa thóc qua cứu trợ dân làng bên này. Giữa đêm tối, không hẹn mà hò, dân làng hai bên đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, họ đã hiểu nhau: Họ đặt những bao lúa xuống đất và ôm chầm lấy nhau… Điểm gặp gỡ của tình tương thân tương ái, của tình liên đới chia sẻ ấy đã được giáo dân gọi là “đất thánh” và họ đã nhất trí chọn địa điểm này làm nơi đặt viên đá đầu tiên xây cất ngôi nhà thờ mới của giáo xứ.

Suy niệm:

Đền thờ là nơi thánh thiêng để tôn thờ Chúa, thế mà con người đã biến nó thành nơi buôn bán, làm nhơ uế nơi linh thánh. Chúa Giêsu không chấp nhận cảnh tượng ấy nên đã bện roi xua đuổi tất cả để mang lại sự trang nghiêm cho đền thờ. Đó là đền thờ vật chất Ngài còn giận dữ như thế, còn đền thờ tâm hồn của chúng ta thì sao? Chắc chắn Ngài rất muốn mỗi người chúng ta mạnh dạn loại trừ khỏi mình những nhơ uế của gian tham, bất chính, tội lỗi…

Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, tâm hồn chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Và mỗi ngày, chúng ta được thanh tẩy bởi các bí tích. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng lãnh nhận các bí tích để đền thờ tâm hồn chúng ta luôn được làm mới lại mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con nên tinh sạch, để xứng đáng là ngôi đền thờ thánh thiêng Thiên Chúa ngự trị.

 

 

 

 

 

19.11.2022

THỨ BẢY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 20,27-40

Lời Chúa:

“Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc 20,34-35)

Câu chuyện minh họa:

Có câu chuyện kể rằng, một lần kia ông Vontain một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nói rằng, ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau để rồi trong đời sống hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh, với mình sống nhịn nhục, chịu thua thiệt với người khác, nếu không có đời sau ông là kẻ dại dột.

Pascal đã trả lời: ông nói đúng. Ông không tin linh hồn bất tử cũng không tin có sự sống đời sau nếu sống hưởng thụ thác loạn, nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ dại dột và ngu xuẩn hơn tôi, vì tôi chỉ thiệt thòi tạm đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời.

Suy niệm:

Tin vào sự sống đời sau đang là thách đố cho nhiều người, vì có nhiều người luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với những gì mình có, với những thành công mang lại hạnh phúc, sung sướng cho cuộc sống. Chúa dựng nên vạn vật trên trần gian này cho chúng ta hưởng dùng, nhưng đừng mải mê với những gì mau qua mà là hướng tới cuộc sống mà nơi đó có Chúa là Đấng hằng luôn yêu thương và đợi chờ chúng ta trong niềm hạnh phúc viên mãn.

Những người bước theo Chúa Giêsu khát vọng niềm hạnh phúc đời sau không phải để chán nản cuộc sống này, cũng không phải sống buông thả nhưng là sống niềm tin của mình mãnh liệt hơn nữa, sống tốt cuộc sống đời này, mang lại hạnh phúc cho tha nhân, đó mới là những hành trang đi theo chúng ta về cuộc sống đời sau.

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ, để con phấn đấu hơn nữa cho niềm tin của mình, loại bỏ những ích kỷ của bản thân, để con vui sống trong hạnh phúc vĩnh cửu mai sau, nơi không còn nước mắt và đau khổ.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*