Từ ngữ “Lòng thương xót”

Misericordia đến từ hai chữ la tinh: misereor (tôi thương) và cor (tim). Có lòng thương nghĩa là thương từ trong trái tim. Điều này nhắc cho trái tim mình nhớ đến nỗi khổ của người khác. Từ này được hình thành từ một số từ được nói dưới đây vì không có từ nguyên nào tương đương trong tiếng Do thái của Cựu ước và trong tiếng Hy lạp của Tân ước.

Trong Cựu ước, từ hesed (trung tín) trong tiếng do thái thường được dùng (246 lần, hơn một nửa có ở trong các Thánh Vịnh) để chỉ về lòng tốt, ân sủng, lòng trung tín, lòng thương xót vv. của Thiên Chúa mà Ngài đã cam kết với dân tuyển chọn. Trong Giao ước với Ít-ra-en, từ hesed nhấn mạnh đến những đặc tính của lòng thương xót: trung thành với chính Chúa, tôn trọng và có trách nhiệm trong tình yêu đến độ nó diễn tả tình yêu mạnh hơn thù hận, ân sủng mạnh hơn tội lỗi.

Trong Kinh thánh, có hơn 30 lần người ta gặp cách diễn đạt của hai chữ đi liền nhau: hesed weemet (ân sủng và trung tín). Ít-ra-en, đầy lầm lỗi, phải hy vọng và tin tưởng vào Chúa vì Ngài luôn có bổn phận sống tình yêu của Ngài. Hoa trái của một tình yêu như thế thì phải có tha thứ, ban ân sủng và sức mạnh của tình yêu, tái lập giao ước đã bị phá vỡ.

Có những từ: rahim, rahmim, rachamim (tình yêu, x. Is 49, 15), từ này có số nhiều là ‘lòng mẹ’, ‘dạ con’, các từ này thường được dùng để định nghĩa ‘có lòng thương’ hay là ‘xúc động bởi tình yêu’ (x. Tv 22, 10; 71, 6; 131, 2; 139, 13; Is 44, 2; 24; 46, 3; 49, 15; 66, 13; Hs 11, 1.3-4.8). Từ rahamim, có nghĩa gốc là tình yêu người mẹ, và nghĩa đầu tiên là ‘lòng mẹ’. Từ mối liên hệ xâu xa và nguyên thủy, nó diễn tả sự liên kết chặt chẽ giữa mẹ và con, tương quan đặc biệt với con bằng một tình yêu rất bền chặt. Tình yêu này hoàn toàn nhưng không, không thể sánh ví, và dưới khía cạnh này, tình yêu tạo nên sự cần thiết bên trong: đó là một đòi hỏi của trái tim. Từ ngữ này còn mang những nghĩa khác: lòng tốt, lòng thương, âu yếm, thương yêu, tình yêu, tha thứ, khoan dung, dịu dàng, ôn hòa, kiên nhẫn, hiểu biết.

Ngoài ra, người ta còn thấy những thái độ, những hình ảnh tượng trưng cho từ này: mặt trời (x. Tv 84, 11), đá tảng (x. Đnl 32,15), lửa (x. Đnl 4, 24), cánh đại bàng, vv. Ý tưởng trên được diễn tả cách sâu xa nhất qua lời của sách Hô-sê 11, 8. Đó là lời thề tình yêu của Thiên Chúa đối với Ép-ra-im bất trung, hay trong sách Hô-sê 14, 5, hay nếu chúng ta đọc trong sách I-sa-ia, từ ngữ được dùng trong đó là raham (thương xót); rahoum (có lòng thương, thương xót): “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?” (49, 15).

Hình ảnh xúc động của tình yêu Thiên Chúa cũng còn diễn tả qua những từ ngữ khác (thi hành lòng thương), nó diễn tả một khái niệm rộng hơn: ân sủng, kiên nhẫn, hào hiệp. Từ hamal (trong văn chương: nghĩa là tha cho kẻ thù) diễn tả sắc thái của lòng thương xót vì tình yêu, vì tha thứ các lỗi, các tội. Ngoài ra, còn có từ emet có nghĩa là ‘liên đới, an toàn, trung thành’, nó có liên hệ với từ hesed trong cùng một nội dung ngữ nghĩa học.

Đó là những từ ngữ mang nghĩa họ hàng với nhau để tập trung vào một chủ đề duy nhất, giàu có và siêu việt : Hesed (lòng thương xót) của Thiên Chúa khơi lên tinh thần cầu nguyện của dân và hướng dẫn dân: “Ai đo lường được Người mạnh mẽ quyền năng đến đâu? Ai dám kể ra lòng thương xót của Người?” (Hc 18, 5) hay: “Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (Tv 57, 11). Các câu này chứng minh dân tuyển chọn đã sống kinh nghiệm về Thiên Chúa qua lòng thương xót. Thật vậy, để ca ngợi Lòng thương xót Chúa như thế là vì nhờ Ngài không nổi giận, mà thương thiết lập vương quốc vĩnh cửu, trong đó chứa đựng luật vàng: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12).

Ngôn ngữ Việt Nam chúng ta đã chuyển từ la tinh trên thành ‘lòng thương xót’, với các từ ngữ họ hàng như ‘từ bi, lòng thương, thương xót’…

Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*