Các nhân đức của Thánh Giuse liên hệ đến Lòng Thương Xót Chúa

CÁC NHÂN ĐỨC CỦA THÁNH GIUSE

LIÊN HỆ ĐẾN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Chúng ta đã có dịp cùng nhau suy gẫm các nhân đức của thánh Giuse, dựa trên sáu mẫu tự làm nên tên gọi JOSEPH:

Justitia/ Just (công chính), Oboedientia/ Obedience (vâng lời), Sapientia/ Sapience (khôn ngoan), Experientia/ Experience (kinh nghiệm), Patientia/ Patience (kiên nhẫn//trọn đời), Humilitas/ Humility (khiêm nhu).

Giuse công chính, vâng lời,

Khôn ngoan, kinh nghiệm, trọn đời, khiêm nhu.

Tuy nhiên, nếu tìm về từ nguyên gốc Hípri, danh Giuse/ Joseph/ yôsep (יהוסף), xuất phát từ động từ יסף (yasap) có nghĩa là thêm vào, gia tăng, hoặc lặp đi lặp lại. Lúc đầu, động từ này diễn tả việc Đức Chúa ban thêm cho bà Rakhen thêm một người con và bà đã đặt tên con là “Giuse” nghĩa là “Ban thêm” (St 30,24). Giuse (yôsep /yasap) cũng có nghĩa là gia tăng như trong Tv 71,14: “Phần con đây, vẫn một bề trông cậy, và gia tăng lời tán tụng Ngài.”

Như vậy, tên Giuse có nghĩa là “thêm” chứ không “bớt”. Vậy thêm những gì? Thưa: thêm các nhân đức. Trong dịp kính thánh Giuse vào năm Thánh Lòng thương xót, xin cùng nhau suy niệm vài tư tưởng về tương quan giữa các nhân đức của thánh Giuse với lòng thương xót Chúa.

1. Thánh Giuse có một trái tim bao dung đầy lòng thương xót để đón Maria vợ ông về mình.

Kinh Thánh đề cập rất ít về Thánh Giuse. Tuy vậy, những câu đầu tiên nói về ngài lại rất đẹp “Giuse là người công chính”. Có ba cách định nghĩa về người công chính: 1) Người công chính là người kính sợ Đức Chúa; 2) Người công chính là người tuân giữ Lề Luật (x. Lc 1,6); và 3) người công chính là người có lòng thương xót. Cách hiểu thứ ba này dựa vào Thánh vịnh 112,4: “Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành: đó là người từ bi nhân hậu và công chính”. Ở đây, công chính được nối kết với từ bi nhân hậu. Còn Thánh Vịnh 37,21 viết: “Người công chính thông cảm và cho không”.

Đi kèm với lời nhận định “Giuse, người công chính” lại là đoạn mô tả một tình trạng bi đát. Sau khi giới thiệu tông tích “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria” (Mt 1,16), thì đề cập ngay “nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Mệnh đề “do quyền năng Chúa Thánh Thần” là do tác giả thánh chú thích vào, còn Giuse lúc đó chỉ biết rằng Maria đã có thai, với ai thì không biết, nhưng mình không phải do mình.

Theo quy định của người Dothái, trong trường hợp biết người vợ ngoại tình, nếu dựa vào quy định của truyền thống, Giuse có thể ly dị Maria rồi để cô tự lo liệu với cái thai đó. Nếu vậy, Giuse chỉ cần dẫn vợ có thai đến trước mặt hai người làm chứng rồi viết một chứng thư ly dị hợp pháp, và ngài có thể được hưởng một số đền bù về tài chánh. Nếu triệt để hơn theo quy định của Lề Luật, Giuse “phải” tố cáo người vợ ngoại tình ra công cộng, và dĩ nhiên người vợ đó sẽ chịu hình phạt bị ném đá theo Lề Luật quy định (Đnl 22,23-24; Lv 20,10).

Tuy nhiên, Giuse đã không làm điều đó, vì là người công chính. Đối với nhiều người Dothái, công chính là chu toàn Lề Luật. Tuy nhiên, với Thánh Giuse, sự công chính của ngài không dừng lại ở việc thực hành những gì Luật dạy chi tiết với hình thức bên ngoài, mà ở việc giữ Luật đã được nội tâm hóa, nghĩa là thái độ tế nhị lớn nhất nơi lương tâm được nuôi dưỡng bởi lòng thương xót xuất phát từ tình yêu.

Nói về tình yêu và lòng thương xót, chúng ta đã biết năm nay Hội Thánh nhấn mạnh đến chủ đề Lòng Thương xót. Vì thế, từ Misericordia được nhắc tới thường xuyên. Trong từ Misericordia, có ba từ khác được ghép với nhau:

Misericordia  =  miseriscordare (Latinh) = dare il cuore ai miseri  (tiếng Ý). Từ này có nghĩa trao ban trái tim của mình, hay trao tặng tấm lòng của mình cho những ai đau khổ bất hạnh.

Tình yêu và lòng thương xót có liên hệ mật thiết với nhau, đều xuất phát đến trái tim. Vì thế, Giuse đã lấy tình yêu và lòng thương xót mà đối xử với Maria, lúc này đang ở trong tình cảnh éo le, bất hạnh, theo cái nhìn của người đời. Trước tình cảnh đó, “Giuse là người công chính, nên không muốn tố giác bà”. Không muốn tố giác, vì Giuse yêu Maria nên có trái tim nhạy cảm bao dung và giàu lòng thương xót. Giuse biết rằng Lề Luật được tóm lại trong 2 điều: Mến Chúa yêu người, chứ không phải trong 613 khoản quy định của các kinh sư Dothái. Vì thế, Giuse không dừng lại ở quy định, mà “thêm” vào bằng cách giữ luật đã được nội tâm hóa. Ngài đã thêm chất men “mến Chúa yêu người” vào trong 613 khoản luật nặng tính hình thức của người Dothái.

Nếu là một người Dothái khác, có thể họ đã dựa vào Lề Luật Môsê để kết án mà ném đá người vợ có cảnh ngộ như Maria, còn Giuse lại muốn dựa vào lòng thương xót để cảm thông cho người bạn đời. Có thể người Dothái khác dựa theo bề ngoài của cái “bụng to, dạ chửa” mà xét đoán, còn Giuse lại chạm đến được những gì trong tâm khảm của Maria để thông cảm xót thương. Ngài tin rằng nơi Maria có một điều gì đó bí ẩn, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Kín đáo để giữ thanh danh cho người mình yêu thương.

Hẳn sau này Đức Giêsu đã nghe Đức Mẹ và Cha nuôi Giuse kể lại điều này trong gia đình. Phải chăng Đức Giêsu đã áp dụng bài học này từ cha nuôi Giuse, khi biết xót thương và tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong Ga 8,1-11. Thật vậy, Đức Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, và đã học được cách thực thi lòng thương xót nơi Dưỡng phụ Giuse.

2. Thánh Giuse có một trái tim rộng mở quảng đại để vâng lời sứ thần truyền dạy: để đặt tên con trẻ là Giêsu, với trách nhiệm dưỡng dục con trẻ.

Khi Sứ thần Chúa giải thích cho Giuse hiểu những gì đã xảy ra với Maria và với thai nhi, rằng: “Người con bà (Maria) cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 120-21), thì ông không một lời phản kháng, lập tức “khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”.

Với thánh Giuse, khi đã được giải thích, ngài đã mau mắn vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà đón nhận sứ vụ để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa đang thực hiện nơi Maria, nơi Thai Nhi và nơi chính mình. Trong Tin Mừng Mátthêu, có 4 lần thuật lại việc sứ thần truyền cho thánh Giuse một sứ mạng trong giấc mơ. Trong tất cả các lần ấy, Giuse liền trỗi dậy và làm theo: đó là thái độ vâng phục triệt để, một nhân đức đặc trưng của của thánh Giuse.

3. Thánh Giuse có một trái tim khiêm hạ để đón nhận lòng thương xót Chúa.

Nhờ khiêm hạ mà thánh Giuse đã được phúc lớn đón nhận “Đức Giêsu” làm con của mình. Mà “Đức Giêsu Kitô chính là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha” (Misericordiae Vultus, số 1), vậy thánh Giuse đã được phúc đón nhận và nuôi dưỡng lòng thương xót Chúa bằng xương bằng thịt. Đây là vai trò độc nhất vô nhị, có thể khiến thánh Giuse tự hào.

Quả thật, Đức Giêsu như đã làm người, và là người thì thụ ơn sinh thành dưỡng dục của bậc cha mẹ. Có thể nói trong ba việc căn bản Sinh-Dưỡng-Dục Đức Giêsu, thì thánh Giuse đã chiếm mất hai phần rưỡi. Ngài không tạo sinh (vì do Chúa Thánh Thần), nhưng trợ sinh Đức Giêsu. Sau đó thì DưỡngDục Đức Giêsu mãi cho đến ngày thánh Giuse khi nhắm mắt lìa đời, trước khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ công khai không lâu (Sách Ngụy thư cho biết ngài mất lúc Đức Giêsu được 22 tuổi = tuổi trưởng thành). Có thể nói bản chất của Đức Giêsu là “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha” nhưng cách thể hiện “lòng thương xót” thì Đức Giêsu lại học được từ Dưỡng Phụ Giuse. Nói cách khác, Đức Giêsu có được những đức tính như “chạnh lòng thương, nâng đỡ cô nhi quả phụ, đến với nghèo bất hạnh, tha thứ cho người tội lỗi,..” qua đó Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha, là nhờ Người học ở trường Nazarét và người thầy chủ nhiệm chính là thánh Giuse.

Công lớn là thế, nhưng Thánh Giuse không nói về mình, và Kinh Thánh cũng nói ít về ngài. Thánh Giuse có trái tim khiêm hạ, nên ngài nói rất ít mà hành động rất nhiều trong âm thầm chiêm niệm.

Thánh Giuse ít nói mà chúng ta lại nói quá nhiều về ngài. Vì thế, cần phải bắt chước ngài “nói ít” để dừng lại bài chia sẻ ở đây. Trước khi dừng hẳn, xin gợi lên vài tư tưởng để suy tư phản tỉnh. Cụ thể là trong bối cảnh của Năm thánh Lòng thương xót, việc chiêm ngắm các mẫu gương của thánh Giuse sẽ giúp chúng ta cảm nhận được lòng thương xót Chúa thực hiện nơi cuộc sống đơn sơ và khiêm hạ của mình. Mỗi khi chúng ta cất lên lời kinh “đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”, lời kinh mà có lẽ thánh Giuse cùng với Đức Maria đã cất lên mỗi ngày khi còn tại thế, là chúng ta đang ca ngợi lòng thương xót Chúa.

Xin Thánh Giuse giúp chúng ta thể hiện lòng thương xót Chúa khi chúng ta biết thông cảm và thứ tha những yếu đuối của người khác, biết che chở đỡ nâng người lâm cảnh bất hạnh, và khiêm nhường đón nhận thánh ý Chúa để sẵn sàng phục vụ anh chị em trong đời sống hằng ngày. Amen.

Tu sĩ Giuse Ngô Ngọc Khanh OFM

 

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*